Thuế là một phạm trù vô cùng rộng lớn, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Úc, Canada và Châu Âu… thì việc đóng thuế thu nhập cá nhân là một nghĩa vụ quan trọng mà người dân cần phải nghiêm túc thực hiện. Khi tìm hiểu về định cư ngoài những thắc mắc về chi phí, điều kiện và quyền lợi thì nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư đang kinh doanh tại Việt Nam, có công ty hoặc có nhiều nguồn thu nhập khác nhau rất quan tâm đến thuế thu nhập sẽ như thế nào. Vậy thế nào là người cư trú đóng thuế – tax resident, nếu nhà đầu tư giữ thẻ cư trú hoặc thường trú nhân của một nước thì có phải đóng thuế thu nhập cho đất nước đó hay chưa?
Lưu ý: Nếu nhà đầu tư đang có nhiều nguồn thu nhập khác nhau, thì lời khuyên đầu tiên là nhà đầu tư nên tìm đến các CPA chuyên gia thuế của đất nước nhà đầu tư đang có dự tính định cư để được hỗ trợ lên kế hoạch về thuế tốt nhất, trước khi chính thức sở hữu thẻ cư trú hay thường trú nhân của quốc gia đó. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.
Phân biệt giữa resident người cư trú có thể là tạm trú (temporary resident) hay thường trú (Permanent resident) và tax resident – người cư trú đóng thuế.
Đầu tiên chúng ta cần phân biệt giữa resident người cư trú có thể là tạm trú (temporary resident) hay thường trú (Permanent resident) và tax resident – người cư trú đóng thuế.
Khi nhà đầu tư nhận được thẻ tạm trú (TR) hay thẻ thường trú ( PR) của một nước thì không nhất thiết là nhà đầu tư trở thành người cư trú đóng thuế (tax resident) của quốc gia đó ngay lập tức, mà sẽ tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia. Nhà đầu tư cũng cần tránh nhầm lẫn giữa quy định thời gian lưu trú để duy trì và gia hạn (renew) thẻ với thời gian lưu trú để trở thành tax resident. Có những quốc gia cho dù nhà đầu tư có ở một ngày thì vẫn là tax resident, cũng có những quốc gia quy định là ở 30 ngày thì được xem như tax resident rồi, tuy nhiên rất nhiều quốc gia ở Châu Âu nhà đầu tư phải có mặt ở đó trên 183 ngày mới được xem là tax resident, ví dụ như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Malta…và khi đã trở thành tax resident rồi thì nhà đầu tư phải xem xét giữa quốc gia đó và Việt Nam có hiệp định tránh đánh thuế hai lần double taxation agreement hay không. Vì cả hai quốc gia có thể đồng thời xem xét nhà đầu tư là tax resident và yêu cầu đóng thuế thu nhập, nhưng nếu có hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thu nhập nhà đầu tư đã đóng thuế ở quốc gia này sẽ không bị đánh thuế một lần nữa tại quốc gia còn lại.
Xem thêm: Các chương trình đầu tư định cư phổ biến nhất Châu Âu
Sau đây là một số ví dụ cụ thể để nhà đầu tư tham khảo thêm:
- Mỹ: khi nhà đầu tư có thẻ xanh của Mỹ thì nhà đầu tư sẽ phải đóng thuế thu nhập, cho dù là thu nhập phát sinh tại Mỹ hay bên ngoài nước Mỹ, vì Mỹ đánh thuế thu nhập toàn cầu. Mỹ và Việt Nam mặc dù đã ký thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần tại Washington vào ngày 7/7/2015 tuy nhiên thoả thuận đến nay chưa có hiệu lực, chính vì vậy một khoản thu nhập được tạo ra có thể sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân đến hai lần.
- Canada, Úc, Đức, Anh Quốc: nếu nhà đầu tư cư trú trên 183 ngày/năm tại một trong bốn cường quốc kinh tế này, thì quốc gia đó được xem là “home country” – nơi cư trú chính của nhà đầu tư, có nghĩa là nhà đầu tư đã trở thành tax resident của họ và phải đóng thuế thu nhập thậm chí là các khoản thu nhập được tạo ra bên ngoài nước đó thì vẫn có đóng thuế thu nhập. Nhưng nếu nhà đầu tư rời khỏi quốc gia đó, và sinh sống hầu hết thời gian ở nước khác thì nhà đầu tư có thể không cần đóng thuế thu nhập cho đất nước đó nữa, mà chỉ đóng thuế thu nhập cho các khoản thu nhập được tạo ra tại đất nước đó. Úc, Đức, Canada và Anh Quốc đều đã có ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam.
- Bồ Đào Nha: nhà đầu tư sinh sống tại Bồ Đào Nha trên 183 ngày/năm sẽ được xem là tax resident của Bồ Đào Nha, và phải đóng thuế thu nhập toàn cầu, tuy nhiên Bồ Đào Nha đã có ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam. Trong trường hợp nhà đầu tư lưu trú tại Bồ Đào Nha dưới 183 ngày/ năm và không phải là tax resident của Bồ Đào Nha thì chỉ đóng thuế thu nhập nếu có thu nhập tạo ra ở Bồ Đào Nha, và mức thuế flat là 25% năm 2022.
- Malta: tương tự nhà đầu tư sẽ trở thành tax resident của Malta nếu ở Malta trên 183 ngày/năm. Và thuế cũng sẽ đóng cho các thu nhập tạo ra ở Malta hay tạo ra bên ngoài Malta nhưng nhận thu nhập đó ở Malta.
- Hy Lạp: cũng tương tự nhà đầu tư sẽ trở thành tax resident của Hy lạp nếu ở trên 183 ngày/năm, tuy nhiên những khoản thu nhập ngoài Hy lạp đã đóng thuế rồi có thể được trừ ra không đóng thuế ở Hy Lạp nữa. Còn nếu nhà đầu tư không ở Hy Lạp thì sẽ chỉ đóng thuế thu nhập được tạo ra tại Hy Lạp.
Mỹ, Canada hay Úc thì để có thể nhận được thường trú (PR) hoặc để duy trì tình trạng thường trú (PR) nhà đầu tư phải sinh sống phần lớn thời gian ở đó, vì vậy nhà đầu tư sẽ là tax resident và phải đóng thuế thu nhập cho dù là thu nhập được tạo ra trong hay ngoài quốc gia đó. Nhưng đối với một số nước Châu Âu thì không có yêu cầu lưu trú nhiều để duy trì thẻ cư trú hoặc thường trú, do đó nhà đầu tư sẽ không phải là tax resident, và chỉ đóng thuế thu nhập cho các khoản thu nhập được tạo ra trong quốc gia đó thôi. Tuy nhiên nếu nhà đầu tư dự tính định cư lâu dài để đạt đủ điều kiện nộp hồ sơ xin nhập tịch thì lúc này nhà đầu tư là tax resident rồi, và sẽ phải lưu ý nếu có nhiều thu nhập tạo ra bên ngoài quốc gia đó.